Thursday, October 13, 2016

Những bức ảnh chấn động thế giới năm 1970 về 'chuồng cọp' Côn Đảo

Những hình ảnh về khu "Chuồng cọp" ở nhà tù Côn Đảo được đăng tải trên tạp chí Life ngày 17/7/1970 đã khiến cả thế giới bàng hoàng.


Năm 1970, các thành viên một ủy ban Quốc hội Mỹ đã viếng thăm Côn Đảo - một hòn đảo được sử dụng làm nơi giam giữ những tù nhân chính trị ở miền Nam Việt Nam. Bằng những thông tin có được từ trước, họ đã khám phá ra một sự thật kinh hoàng bị che giấu: Một khu biệt giam với tên gọi "Chuồng cọp", nơi giam giữ tù nhân trong điều kiện vô cùng tồi tệ.


Bên dưới những song sắt của khu Chuồng cọp là các tù nhân ngồi cúi gập người lại. Hơn nửa trong số họ là phụ nữ, thậm chí có người chỉ mới 15 tuổi. Cái nóng và mùi hôi hám khiến bầu không khí vô cùng khủng khiếp. Các song sắt bị hoen gỉ vì vôi, do những cai ngục rải xuống để trừng phạt, làm bỏng mắt và nghẹt phổi tù nhân.


Tất cả tù nhân đều đau yếu với nhiều loại bệnh tật như bệnh lao, lở loét, đau mắt và thiếu dinh dưỡng. Những người đau yếu nhất nằm trên nền nhà trong khi những người khác quạt cho họ bằng những mảnh vải vụn dưới cái oi bức của xứ nhiệt đới.


Rất ít tù nhân có thể đứng được - hậu quả của việc thường xuyên bị cùm chân. Để tồn tại được, họ đã phải “bắt thằn lằn, các con bọ cánh cứng và những côn trùng khác và ăn sống chúng, cắn ra và chia các mảnh cho nhau”. Một tù nhân nói mình đã lén vặt cỏ để ăn trên đường trở về từ nơi bị đánh đập.


Ảnh bên trái là chỉ huy trưởng của trại tù Côn Đảo - Đại tá Nguyễn Văn Vệ. Theo lời giải thích của ông ta, những tù nhân bị giam ở Chuồng cọp là những "tội phạm sừng sỏ", “những tù nhân cứng đầu”. Nguyễn Văn Vệ nói: “Họ nhất định không chịu chào cờ. Thậm chí cờ Mỹ cũng không chào".

Cố vấn trưởng Mỹ về thực thi luật pháp và các kỹ thuật nhà tù Việt Nam là ông Frank E. Walton (ảnh bên phải) cho rằng nhà tù này “là một cơ sở cải huấn xứng đáng được xếp hạng cao hơn một số nhà tù tại Mỹ”. Ông còn nói rằng: “Nơi này giống một cái trại tiêu khiển của nam Hướng đạo sinh hơn là một nhà tù”.


Văn Hải Theo KIẾN THỨC


No comments:

Post a Comment

Popular Posts