Người Hà Nội có cái thú chụp ảnh ngày xuân. Cái thú này gắn với nền tảng gia đình tam, tứ đại đồng đường sống gần nhau quanh khoanh đất phố cổ. Song nó chỉ thực sự được tận hưởng, được nâng niu ở thời bao cấp, lúc cuộc sống còn quá ít thú vui.
Lưu xuân qua ống kính
Nhiều gia đình Hà Nội có thói quen “dạo” giao thừa. Ăn mặc đẹp hay không còn tùy điều kiện - vì thời bao cấp vải lụa ít, lại qua phân phối- nhưng phải sao cho thanh lịch. Họ thường dẫn cả nhà tới đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc... và đi chụp ảnh.
“Thời đó chụp được bức ảnh không hề dễ, cũng không có tâm lý cẩu thả. Chụp ảnh ngày Tết càng phải nghiêm chỉnh, thể hiện mình là con người phong nhã” - bác Thiện, tay máy kỳ cựu gốc làng ảnh Lai Xá của hiệu Quốc Tế nhấn mạnh.
Ghi tên, xếp hàng. Tới lượt thì bình tĩnh “kính trên nhường dưới”, đứng ngồi ngay ngắn theo hướng dẫn của người chụp. “Những bức ảnh như thế được phóng lên, treo tại chỗ trang trọng trong nhà”- chị Thu, con gái bác Thiện, cũng thợ Quốc Tế nối nghiệp cha, góp lời.
Thập niên bốn năm sáu mươi thế kỷ trước, số hiệu ảnh mới “ra lò” nhiều khó đếm hết. Những Thiện Ký (Hàng Điếu), Quang Trung (Hàng Bông), Kim Lai (Đinh Tiên Hoàng), Hoàng Hải (Hàng Bài), Tam Anh (Hàng Gai)... đều của tư nhân. Từ “công tư hợp doanh” như Quốc Tế tới các hợp tác xã có nhiều địa điểm nhưng trụ sở chính vẫn loanh quanh Hồ Gươm như Phương Đông (Hàng Khay), Nắng Xuân (Hàng Bài)...
Nhiều là thế mà dịp Tết phục vụ nhân dân còn không xuể. “Cánh thợ chúng tôi chia hai kíp trực sáng chiều. Trực giao thừa thì nghỉ mùng 1, nhưng dễ phải tăng ca. Nói chung, anh trực tiếp đứng chụp hiếm khi được ăn Tết”, bác Thiện kể.
Sáng xuân mùng 1, mùng 2 tới lượt đám thanh niên. “Bọn anh cứ quần loe áo lông ra đường chơi xuân” - ông anh Thăng “quái” nhà phố Hàng Bông ôn cố sự - “Phải có tâm lý của người bấy giờ. Cả xã hội cùng khó khăn, mấy ai đủ điều kiện trưng diện. Đã trưng diện thì phải chụp pô ảnh mới bõ ăn Tết”.
Dăm bảy đường sướng khổ
Ngày nay muốn “tự sướng” (selfie) hay cả nhà cùng “sướng” chỉ cần “nghếch” iPhone làm cái “lẻm”. Không ưng, làm cái khác. Bấm mỏi tay, đẹp mới thôi. Bởi vậy nghe chuyện vài chục năm trước cứ như cổ tích.
“Máy ảnh thuộc hàng quý hiếm. Cá nhân càng khó kiếm, may ra đi học nước ngoài mang về. Thường là máy Kiev của Nga, Praktica của Đông Đức. Còn vớ được con Leica, Tây Đức thì quá ưu việt, đến dân thợ đứng hiệu cũng tranh giành nhau từng cái”, bác Thiện tiếp tục kể.
Bởi vậy, người ta hay vào hiệu chụp dù vất vả chẳng kém đi đong gạo mua thịt. Lắm khi gặp phiền phức không đâu, tưởng tới lượt mình bỗng “thòi” ra một anh láu cá - đến sau lừa lừa xé giấy ghi tên ngoài phòng viết mới - chiếm chỗ. Thế là cãi nhau chẳng kiêng Tết nhất, chẳng quan tâm cái “nhã” còn hay mất.
Tất nhiên phần đông vẫn tôn trọng quy củ, thậm chí nhường lượt cho mấy gia đình nheo nhóc - bác Thiện cười vui - “Một lượt mất tới mười lăm, hai mươi phút. Máy cổ thao tác chậm, ngắm người vào kính mờ, hiện hình dáng chuẩn rồi mới lắp phim vào, mở ống kính bắt hình. Lúc đấy mà ai buồn ngủ, nhỡ nhắm mắt lại thì...”.
Một người nhắm còn dùng kỹ thuật “nảy mắt” (sửa phim) tạm chấp nhận. Vài người nhắm, hỏng cả bức hình, chỉ có cách mời khách lên chụp lại. Lúc ấy Tết đã qua từ đời tám hoánh.
“Tết thường là dịp đón người đi xa về. Nhà tôi cứ mùng 2 hoặc mùng 4. Hẹn một ông thợ ảnh hoặc người nào đó có máy ảnh, chụp hộ hoặc có lấy tiền công” - họa sĩ Bùi Thanh Phương nhớ lại- “Cứ y hẹn, anh em quần áo chỉnh tề từ nhà, tập trung chật kín cả khung hình”.
Đông đúc hoành tráng thế song cũng chỉ “xí” được một hai kiểu vì phim hiếm lắm. Phim mốc, hỏng là chuyện cơm bữa. Chưa kể vớ phải bác a-ma-tơ. Chỉnh đốn hàng ngũ mất khối thời gian, cười mỏi mồm đến khi vào ảnh môi lại bị rung, lại nảy kiện tụng “sao em mắt nhắm, chị mắt mở?”.
Ông Đại, thâm niên hai chục năm vác ống kính dạo, nhấp ngụm trà nóng, nói: “Sư phụ truyền nghề cho tôi là thợ dạo thời bao cấp đấy. Thỉnh thoảng có được người ta mời tới nhà chụp nhưng cụ thích ra ngoài công viên hơn”.
Theo lý giải của ông Đại thì người thợ ảnh luôn có chất nghệ sĩ, chất ngẫu hứng. “Người ta dành dụm cả năm cho bản thân, con cái xúng xính một chút. Chụp một bức ảnh bằng cả ngày lương nhưng được cái sướng. Bố mẹ thì bế con, ông bà đứng giữa. Chụp dưới gốc cây hay cạnh hồ nước chẳng hạn. Đẹp lắm”.
Ảnh chụp ngoài đẹp tự nhiên hơn trong phòng. Mỗi tội hồi ấy chưa có điện thoại, hết Tết muốn tìm bác thợ lấy ảnh nhiều khi đi đến rạc cẳng rồi về tay không. “Chúng tôi cũng phải tìm khách, trao ảnh mới lấy được tiền, không có đặt cọc như ở hiệu. Giờ kỹ thuật số, in ảnh lấy ngay chứ trước phải chờ vài tuần. Bỏ công in rồi không thấy khách đến lấy thành ra đầu xuân đã buồn” - ông Đại gói lại câu chuyện.
Bức ảnh dưới đáy hòm
“Người ta dành dụm cả năm cho bản thân, con cái xúng xính một chút. Chụp một bức ảnh bằng cả ngày lương nhưng được cái sướng”, ông Đại hoài cổ.
Những bức ảnh rửa ra không thấy người đến nhận đã tiếc, chụp đẹp, trao tay rồi nhưng người trong ảnh không được xem còn đáng tiếc hơn.
Bà Nhài nhà ngoài đê Yên Phụ, gần bảy mươi tóc vẫn đen nhánh. Lúc nói chuyện, ánh mắt bà cứ hướng về phía bãi sông.
“Hơn bốn mươi năm nay, tôi không chụp ảnh. Ngày Tết chỉ muốn ở nhà vì còn phải chăm ruộng. Con Lan Anh cứ cằn nhằn bà chẳng chịu đi chơi xuân với các cháu” - bà Nhài nói. “Ruộng” của bà chỉ là khoanh đất nhỏ trồng mùi. Mùi già gần Tết ra hoa, bà thường cắt một nhánh cắm lên bàn thờ.
“Đáng nhẽ là hoa cải. Anh ấy thích hoa cải nhưng thấy nó, tôi lại buồn”. Sau câu nói bà ngồi lặng, hồi lâu mới lục cái hòm gỗ cũ, lấy dưới đáy lên một cuốn album. Album trắng gần hết, cuối cùng mới thấy gài bức ảnh đen trắng nhòe màu thời gian chụp đôi nam nữ trẻ trung đứng cạnh bãi cỏ.
“Bọn tôi quen nhau trước khi anh nhập ngũ. Trong thời gian tập luyện ở thao trường, tôi có lên thăm rồi yêu nhau. Tết đấy, anh được về phép để chuẩn bị vào Nam chiến đấu”. Giao thừa bà Nhài mải giúp bố mẹ việc nhà. Trưa mùng 1 mới trốn ra gặp người yêu.
Bức ảnh kỷ niệm chụp ở vườn hoa. Bà Nhài không nhớ tên người chụp, nghe đâu là thợ “cứng” của hiệu ảnh phố Hàng Điếu, ra đường phục vụ nhân dân. Đến hẹn bà lấy ảnh, rồi ngóng địa chỉ từ gia đình người yêu để gửi vào chiến trường. Ai ngờ nhận tin “anh hy sinh trên đường hành quân”.
Có một mùa hoa cải/nở vàng trên bến sông/Em đang thì con gái/đợi anh chưa lấy chồng…
Bà nhận nuôi Lan Anh - đứa cháu họ mất gia đình hồi Mỹ đánh bom Hà Nội (1972). Hai mẹ con tựa nhau sống tới lúc con gái lấy chồng. Bà lại chăm cháu. Cháu cũng lớn. Bà bán nhà phố, mua cho con nhà khác và mua luôn một mảnh xóm bãi, trước trồng cải sau trồng mùi. Lan Anh nhiều lần “lăn đùng ngã ngửa” đòi mẹ về sống chung nhưng bà kiên quyết không.
“Tôi già, sinh hoạt ẩm ương. Xa thương gần thường, ở chung dễ sinh chuyện” - bà Nhài nói thế, mắt lại nhìn lên bàn thờ không ảnh. Có lẽ cô con gái đành phải chấp nhận để mẹ dành khoảng thời gian cuối đời người cho “mùa hoa cải của mình”.
Nay, sự phát triển của máy kỹ thuật số, smartphone khiến lượng khách vào hiệu chụp ảnh Tết giảm hẳn. Tiệm ảnh vắng ngơ, lòng chợt nao nao nhớ về thời đã xa ấy.
Văn Hải (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment