Các loai hình nghệ thuật dân gian là sự phản ánh tính cách và tâm hồn của người xưa.
I. Nghệ thuật biểu diễn dân gian
1. Múa rối nước
Trong kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam, múa rối nước là một trong những loại hình độc đáo nhất. Với sân khấu là mặt nước, diễn viên là các con rối, cộng với hiệu quả của ánh sáng và pháo hoa đã tạo ra những màn biểu diễn hấp dẫn và huyền ảo.
Theo sử liệu cũ, múa rối nước ở nước ta có từ lâu đời. Nghệ thuật múa rối nước là sản phẩm đặc sắc của vùng đồng bằng sông Hồng Việt Nam với nền văn minh lúa nước. Mỗi phường múa rối nước đều có những đặc điểm, thế mạnh riêng, nhưng nhìn chung, các tích trò đều gắn với truyền thuyết lâu đời từ thời dựng nước, phản ánh sinh hoạt và lao động của người nông dân trên đồng ruộng với bao lo toan vất vả trước thiên tai, địch hoạ nhưng vẫn lạc quan, yêu đời.
Thông điệp mà múa rối nước truyền tải đến người xem là sống vui, vui sống. Điều độc đáo của múa rối nước là sự kết hợp tổng hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật tạo con rối, nghệ thuật biểu diễn dân gian với kỹ thuật lắp máy, lắp dây điều khiển con rối và nghệ nhân biểu diễn. Chính vì thế, múa rối nước tạo ra những giây phút được sống vui, vui sống một cách thần tình, kỳ ảo, như thật, đem đến cho người xem niềm vui dân dã, hồn nhiên, sảng khoái.
Múa rối nước cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian khác không phải tất cả đều sinh ra từ Thăng Long - Hà Nội, nhưng khi được trình diến ở đất Kinh kỳ - nơi hội tụ, kết tinh, toả sáng và phát triển các giá trị văn hoá dân tộc - bộ môn nghệ thuật đó dần được nâng cao cả về nội dung và hình thức. Các tích trò Thăng Long - Hà Nội đều tập trung phản ánh tư tưởng tình cảm, không khí lao động của người dân, gắn chặt với hội làng và địa linh nhân kiệt đất Thăng Long…Chất bác học hoà quyện với chất dân gian làm cho nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội có nhựa sống dồi dào, khắc phục những thô sơ, thô thiển của buổi sơ khai để vươn tới hoàn thiện.
2. Hát trống quân
Hát trống quân là một sinh hoạt văn nghệ dân gian đậm tính cộng đồng làng xã và là loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trống quân Hà thành từ lâu đã nổi tiếng với các địa danh Song Phượng (Đan Phượng), Hát Môn (Phúc Thọ), Khánh Hà (Thường Tín), Quang Minh (Thanh Oai), Hoàng Diệu (Chương Mỹ)… bởi những làn điệu và hình thức sinh hoạt độc đáo.
Đặc điểm của hát trống quân là mỗi bên có từ hai đến năm hoặc bảy người một nhóm. Trong hát trống quân, người tìm ra những câu đối được gọi là "người xui", và họ đóng vai trò quan trọng trong mỗi lần thi tài. Những vế đối phải đạt yêu cầu về thanh âm và ngữ nghĩa. Nếu bên nào không kịp ứng khẩu thì coi như thua và "phần thưởng" cho bên thắng thường là những sản vật quê nhà. Những lần hát giao duyên đó càng về khuya càng mặn mà, sâu xa nghĩa tình và là nhịp cầu nối của biết bao cặp nam nữ đến với nhau.
Khi hát Trống auân có trống dẫn nhịp. Người ta còn gọi là trống này là "trống thùng". Trống thùng được cấu tạo như sau: Hai cọc được được cắm ở hai bên, một bên cọc là phe nam, một bên cọc là phe nữ đứng (hoặc ngồi). Một sợi dây thừng được buộc vào hai cọc, chính giữa sợi dây đặt một cái thùng, mặt rỗng úp xuống một hố đất nhỏ, mặt đáy trên sát sợi dây. Người ta gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào đáy thùng mà kêu thành tiếng. Khi đối đáp, bên nào hát dứt câu thì đánh vào trống thùng để làm nhịp "lưu không", vừa để thúc giục phe bên kia hát đáp lại.
Địa điểm diễn xướng thường là ở bãi cỏ rộng, ven sông, dưới thuyền hoặc trên sân đình vào những ngày hội làng.. Hát trống quân ở mỗi địa phương có chút ít khác nhau về làn điệu, cách thức, thời điểm hát nhưng có một điểm chung đáng trân trọng là sự dân dã, hồn nhiên của những người nông dân tham gia hát xướng.
3. Hát chèo tàu – Đan Phượng
Là loại hình nghệ thuật truyền thống của Hà Tây (cũ) có nguồn gốc từ lâu đời và phát triển rực rỡ từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII. Hình thức diễn xướng của hát chèo tàu rất độc đáo, chỉ có phụ nữ tham gia biểu diễn, nếu là đàn ông phải cải trang thành nữ, vừa hát vừa biểu diễn các động tác bơi chèo trên mô hình thuyền rồng và nên được gọi là hát chèo tàu. Trước đây, hội hát chèo tàu 30 năm mới mở một lần để tưởng nhớ tướng công Văn Dĩ Thành, người có công đánh giặc vào thời vua Trùng Quang.
Ngày nay, từ 5 đến 7 năm hội hát chèo tàu được mở một lần từ ngày 15 đến 20 tháng Giêng âm lịch tại Lăng Văn Sơn thuộc làng Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.
4. Cồng chiêng - Ba Vì
Cồng chiêng là một loại nhạc cụ truyền thống của một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam được làm bằng đồng và xuất hiện rất sớm khoảng từ 2000 đến 3.500 năm trước đây. Trong quan niệm của các dân tộc thiểu số, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là tài sản, là thước đo sự giàu có và thể hiện địa vị xã hội của mỗi gia đình.
Khi mùa xuân về, trong những dịp lễ hội của người dân tộc thiểu số vùng núi Ba Vì không bao giờ thiếu tiếng cồng trầm hùng hoà cùng với những vũ điệu truyền thống say đắm lòng người. Những cô gái xinh đẹp vừa múa vừa đánh cồng chiêng từ lâu đã trở thành một nét bản sắc văn hoá độc đáo của người dân tộc vùng núi Ba Vì
5. Hát dô - Quốc Oai
Theo truyền thuyết vào thời Hùng vương, trong một lần du ngoạn, đức Thánh Tản Viên - Sơn Tinh qua vùng đất, ngày nay là thôn Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, nhận thấy đây là nơi phong cảnh hữu tình, trai thanh gái lịch, ngài đã cho xây dựng cung điện và mở hội để truyền dạy cho dân làng các điệu hát ca ngợi quê hương, tình yêu nam nữ... từ đó hát Dô ra đời.
Tương truyền, đức Thánh Tản chỉ cho phép 36 năm mới mở cung điện của ngài để lấy các bài hát ra tập nên cứ 36 năm, hội hát dô mới mở một lần vào ngày 15 và 16 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, ngày nay, du khách có thể thưởng thức các làn điệu hát dô do ở xã Liệp Tuyết đã thành lập Câu lạc bộ hát dô tập hợp các nghệ nhân thường xuyên luyện tập và biểu diễn.
II. Mỹ thuật dân gian
1. Tranh Hàng Trống
Tranh Hàng Trống là một dòng tranh dân gian được làm chủ yếu ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón... của Hà Nội. Nhìn chung, tranh Hàng Trống có ưu thế nổi trội về thể loại tranh thờ gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và việc thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên. Bên cạnh đó với đặc điểm màu sắc rực rỡ, tươi vui, giàu sức sống, nên tranh cũng được nhiều người Hà Nội ưa chuộng chọn mua về treo Tết.
Những hình ảnh cô đọng trong tranh luôn thể hiện ước vọng về một cuộc sống thuận hoà, sức khoẻ, hạnh phúc cùng khát khao hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Nội dung tranh phong phú đa dạng, mỗi bức mang một ý nghĩa nhân sinh riêng, biểu hiện nhiều góc độ tâm trạng của con người, mang trong nó là cả những ước vọng của người dân, từ những ước mong giản dị cho tới những điều cao quý.
Các bức tranh dân gian Hàng Trống được vẽ theo quan niệm "sống" hơn "giống". Đường nét của mỗi bức tranh hết sức gạn lọc, thuần khiết, cốt sao rung cảm thẩm mỹ cho người xem hơn là vẽ đúng luật. Các thành phần trong tranh không có một điểm nhìn cố định mà hầu hết được thiết kế để có thể quan sát di động, từ nhiều góc độ khác nhau.
Tranh Hàng Trống sử dụng những nguyên liệu đơn giản, dân dã với các cách pha chế đặc biệt để tạo nên các gam màu tự nhiên và sắc nét. Màu đen của tranh được làm từ tro rơm nếp hay tro lá tre được đốt và ủ kỹ, màu vàng được tạo nên từ hoa hoè, màu chàm từ các nguyên liệu của rừng núi, màu son của sỏi đồi tán nhuyễn. Những màu sắc đó lại được pha với dung dịch hồ nếp cổ truyền tạo cho tranh Hàng Trống một vẻ óng ả và trong trẻo mà các loại màu hiện đại không thể nào có được.
Kỹ thuật vẽ tranh Hàng Trống khác biệt với các dòng tranh dân gian khác, kể cả tranh Đông Hồ khi kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ, với việc tô màu phẩm bằng tay, dùng bút mềm quệt phẩm nước nên luôn luôn tạo được những chuyển sắc đậm nhạt tinh tế làm cho màu sắc rất uyển chuyển. Nhờ vậy, mà nó đáp ứng được thị hiếu của khách mua tranh chốn kinh kỳ.
Mỗi bức tranh Hàng Trống đều kết tinh tài hoa, tâm huyết của người hoạ sĩ chốn kinh kỳ và là biểu tượng văn hoá của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
2. Nghệ thuật thêu tay
Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Lao động của người thợ thêu không khác gì lao động của một nghệ sĩ dân gian, một họa sỹ tài năng. Chỉ bằng dụng cụ đơn giản, tay kim, sợi chỉ màu, hình mẫu, những tác phẩm hoàn chỉnh từ từ hiện lên mềm mại, sống động, tươi tắn và kiều diễm như thật
Nghề thêu công phu nhất vẫn là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng… Người thêu phải khéo léo làm cho những sợi chỉ hòa quyện, mịn màng như một thể thống nhất, không một lỗi chân chỉ hay trái canh. Đường chỉ càng điêu luyện, mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị cao, nghệ thuật thẩm mỹ càng đến độ tuyệt vời.
Nghệ thuật thêu tay Hà thành đạt đến trình độ tinh xảo trên đôi tay của người thợ thêu làng Quất Động ( Thường Tín). Bàn tay người thợ thêu khéo léo đã làm sống dậy những bức tranh mang đậm hồn quê với cây đa, giếng nước, sân đình thơ mộng và hiền hòa.Từng mũi thêu đều tay, hoa văn sống động, sắc màu hoà hợp trên nền lụa vải, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có một không hai.
IV. Các loại hình nghệ thuật dân gian khác
1. Khắc gỗ Tây Đằng
Điêu khắc đình làng Việt Nam là một di sản nghệ thuật bất hủ cùng với thành tựu đáng tự hào về kiến trúc của tổ tiên ta. Trong suốt 4 thế kỷ (XVI - XIX) ngôi đình là sản phẩm thuần khiết gắn với văn hoá làng, hội tụ biểu tượng cao độ về đời sống vật chất và tinh thần của làng. Giá trị bất hủ của nó nằm ở thành tựu kiến trúc và điêu khắc Việt Nam, ở đó đã kế thừa và phát triển cao, độc đáo nghệ thuật điêu khắc truyền thống.
Đình Tây Đằng đứng đầu trong chuỗi đình – hạt ngọc của đất Quảng Oai được xây dựng từ thế kỷ XVI, thuộc loại cổ xưa nhất nước. Nơi đây, kiến trúc điêu khắc chạm trổ đạt tới đỉnh cao với hàng trăm hình thái chạm khắc đạt tới độ tinh xảo và sống động trong từng đường nét, hình khối.
Đề tài chạm trổ ở đây khá đa dạng và mang đậm hơi thở cuộc sống với những nét chạm trổ tái hiện lại sinh hoạt thường nhật như: cảnh chèo thuyền hái hoa, chèo thuyền uống rượu, trai gái tình tự, làm xiếc, gánh con, nhổ cây, đẽo gỗ, đâm thú..Tất cả đều biểu hiện giá trị điêu khắc đậm nét với các khối được diễn tả no căng, hình thức giản dị, khái quát cao.Cái đẹp của tự nhiên, sự mộc mạc mang tính cởi mở, chứa đựng vẻ đẹp nhân hậu của tâm hồn khiến cho sự ''phi lý'' về tỉ lệ thông thường lại trở nên thuận lý nhờ tính phóng khoáng, mạnh mẽ mang lại cảm thụ mới mẻ mà sâu lắng.
Nhờ những sáng tạo của các nghệ nhân cừ khôi, chạm lộng đã tiến một bước tiến tạo nên sự độc đáo. Những biến hoá giàu ngôn ngữ điêu khắc đã làm cho chạm lộng tăng hiệu quả cảm thụ cởi mở, thông thoáng, đa chiều, tạo tương phản không gian sáng - tối, vừa giữ được bố cục thẩm mỹ, tính vững chắc về kết cấu, vừa tạo cảm giác nhẹ nhàng.
Trước thời đại các trào lưu nghệ thuật giao lưu hoà nhập, thì việc gìn giữ và phát huy phong cách dân tộc là điều vô cùng quan trọng.. Điêu khắc chạm lộng sẽ còn phát triển hơn nữa dựa trên cơ sở kế thừa phương pháp truyền thống kết hợp hình thức thể hiện hiện đại với nhiều nội dung mang tính thời đại và xã hội rộng lớn. Từ tinh thần đó, chạm lộng chính là di sản vô giá, mở rộng những giá trị truyền thống cho hôm nay và mai sau.
2. Nghệ thuật nặn tò he
Tò he là một loại đồ chơi dân gian được nặn từ bột nếp nhuộm phẩm màu tạo nên những sản phẩm với đa dạng hình khối và dáng điệu vô cùng sinh động. Vượt ngoài giá trị thực tế, tò he đã trở thành đặc phẩm mang tính nhân văn, giàu giá trị biểu cảm và người thợ nặn tò he trở thành nhà tạo hình tài năng.
Từ bàn tay khéo léo của người Xuân La ( Phượng Dực- Phú Xuyên-Hà Nội) một ít bột nếp và phẩm màu đã hoá thành những hình thù ngộ nghĩnh với nhiều hình dáng, kích thước và dáng điệu đáp ứng thị hiếu và trí tò mò của trẻ thơ như những con vật cụ thể như voi, ngựa, chim, gà, lợn... đến những con vật chỉ có trong trí tưởng tượng của con người như rồng, phượng, hạc... rồi đến những hình người cụ thể như em bé, cụ già, cô gái..., những nhân vật cổ tích, thần thoại như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, Bồ Tát nghìn tay...
Nguyên liệu làm ra tò he rất đơn giản, nó đều là sản vật gần gũi với người nông dân và nền văn hoá lúa nước như: bột gạo, phẩm mầu, que tre. Tuy nhiên các công đoạn chuẩn bị để làm ra sản phẩm thì lại đòi hỏi sự công phu, cẩn thận của người làm nghề.
Giai đoạn làm bột là giai đoạn công phu nhất. Bột được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ nghiền nhỏ rồi nhào với nước cho đến khi bột nhuyễn, quyện dính vào nhau, vê thành cục sau đó cho vào nồi nước đang sôi để một giờ đồng hồ đến khi bột nổi, chìm rồi lại nổi thì vớt ra, để nguội bột và nhuộm màu cho bột.
Màu sắc dùng để nhuộm bột cũng lấy từ cây nhà lá vườn: mầu xanh từ lá cây, màu đỏ của gấc, mầu vàng từ nghệ, mầu đen từ tro bếp, màu tím từ một loại lá của người dân tộc thiểu số... Ðiều đáng nói ở đây là mầu rất bền, không bị loang ra. Màu nào vẫn giữ nguyên màu đó khi ta đem trộn lẫn chúng vào nhau.
Những chú tò he nhiều màu sắc đã in đậm trong tâm thức của nhiều thế hệ người Việt và sẽ mãi là biểu tượng nghệ thuật tài hoa mà vô cùng khéo léo của người nghệ sĩ đồng quê Việt Nam.
3. Nghệ thuật khảm trai Chuyên Mỹ
Nghề khảm trai không đơn giản chỉ là nghề đục đẽo, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định. Để có được một sản phẩm khảm trai theo đúng nghĩa, đó còn là cả một nghệ thuật. Người thợ khảm phải trải qua nhiều công đoạn, trước hết là phải chọn loại vỏ trai phù hợp với đồ dùng mình định khảm. Vỏ trai ở đây được người thợ Chuyên Mỹ lựa chọn công phu từ nhiều nơi như: Thanh Hóa, Quy Nhơn, Quảng Nam Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… thậm chí nhiều loại quý hiếm phải tìm mua tận Trung Quốc, Singapore.
Từ chất liệu vỏ trai, người thợ khảm phải bỏ rất nhiều công sức để hoàn thành một mặt tranh khảm, bao gồm các khâu: sáng tác bản vẽ, mài, cưa, đục mảnh trên mặt tranh khảm, mài, đánh bóng mặt khảm. Trước đây, đề tài khảm thường chọn các tích ở truyện cổ và các mẫu ước lệ như: mai, thông, cúc, trúc, chim, hoa…
Các sản phẩm khảm trai, ốc của Chuyên Mỹ ngày càng đa dạng, phong phú về mẫu mã nhờ sự tìm tòi, sáng tạo của người thợ dựa trên những bí quyết công nghệ hết sức nghiêm ngặt, tỉ mỉ và phức tạp được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ khác nhau. Sản phẩm khảm trai Chuyên Mỹ thể hiện tính độc đáo, trí tuệ của những người thợ thủ công, đồng thời phản ánh tính thời đại và tính hữu dụng cũng như tính thẩm mỹ của nó.
Văn Hải (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment