Nghỉ hè – thay vì cho con tới các khu vui chơi, giải trí sau một năm học tập vất vả và đầy áp lực, nhiều bậc cha mẹ đã đưa con tới các lớp học nghệ thuật – đôi khi – chỉ vì ước vọng con mình trở thành nghệ sĩ nổi tiếng.
Sau khi học kỳ 2 kết thúc, ngay khi bắt đầu nghỉ hè, các bậc phụ huynh đã “tất tả” tìm chỗ học cho con, không học các môn cơ bản như Toán, Văn, Ngoại ngữ … thì cũng tìm các lớp Kĩ năng sống hay nghệ thuật cho con theo học.
Tuy vậy, bên cạnh những bé có hứng thú với nghệ thuật như hát, múa, đàn, vẽ… thì cũng có rất nhiều bé bị cha mẹ “ép” học vì phong trào. Thậm chí có trường hợp thấy con nhà hàng xóm học môn gì thì cũng cho con mình học theo cho bằng chị, bằng em. Tuy nhiên, khi không yêu thích, nhiều bé tỏ ra khó chịu thậm chí phản ứng lại mong muốn này nhưng thường là cam chịu trước các bậc phụ huynh khó tính.
Chị Vũ Thanh Phương (Ngân hàng HSBC) chia sẻ: “Mình vừa đăng ký cho con gái một lớp học piano trong 2 tháng hè. Con gái mà học piano, vừa mềm mại lại dịu dàng, biết đâu sau này lại thành nghệ sĩ”. Và để phục vụ cho việc học hè của con, chị đã mua một cây đàn piano loại mini với giá 20 triệu.
Trên thực tế, có nhiều gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho cây đàn piano, hàng chục triệu cho cây organ hoặc tốn hàng triệu đồng mỗi tháng để mời giáo viên dạy nghệ thuật tại gia hoặc đưa con đi học tại những trung tâm nghệ thuật. Mục đích là muốn biến trẻ thành thiên tài nghệ thuật hoặc ít nhất là muốn tạo cho trẻ hình ảnh của người am hiểu và biết chơi các môn nghệ thuật trong tương lai. Nhờ nhu cầu của phụ huynh, các trung tâm dạy nghệ thuật cho trẻ em phát triển khá rầm rộ và thu hút một lượng lớn học sinh.
Chia sẻ về chuyện “ép” con học nghệ thuật của các bậc phụ huynh, chị Tuyết Anh (giáo viên dạy piano, trung tâm Sense-Art) cho biết: “Việc “ép” con học nghệ thuật chủ yếu bắt nguồn từ ý thích của cha mẹ. Cha mẹ thích loại nhạc cụ nào, hình thức nghệ thuật nào thì sẽ hướng con mình theo đó. Nhưng rất ít trẻ thích học nghệ thuật, đầu tiên, khi làm quen với hình thức nghệ thuật đó, với dụng cụ đó, trẻ thấy hứng thú thì giáo viên mới có thể dạy được”.
Với những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi, việc ép chúng phải ngồi yên, tập trung… là điều rất khó khăn với chính đứa trẻ và với giáo viên. Lúc này, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức nghệ thuật, mà còn phải là người chị, người bạn trò chuyện, động viên, thuyết phục đứa trẻ làm quen với môn học và dụng cụ.
Chị chia sẻ, hầu hết các phụ huynh khi đưa con đến với trung tâm đều có mong muốn, thậm chí là kỳ vọng về khả năng thành công của con cái mình trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong số đó, có không ít phụ huynh đưa con đi học các môn nghệ thuật để mong con mình thông minh hơn, học giỏi hơn.
Chị Tuyết Anh cho biết, khi cha mẹ dẫn đến làm quen với cô giáo, với cây đàn, có bé phản ứng khá tiêu cực như khóc, dằn dỗi đòi về… Những lúc này, chị thường khuyên phụ huynh đưa con về, bởi khi trẻ phản ứng tiêu cực như vậy thì giáo viên cũng “bó tay”.
Không phải trẻ nào cũng là “thần đồng nghệ thuật”
Nghệ thuật là bộ môn khá trừu tượng, cần có hoạt động trí não, sử dụng trí tưởng tượng và tư duy của bản thân để hiểu được ý nghĩa của bộ môn nghệ thuật đó. Chỉ với một bản nhạc, 100 người có thể cảm nhận 100 cách khác nhau và sẽ sáng tạo ra 100 khúc nhạc riêng biệt.
Tuy nhiên, để yêu cầu hoạt động trí não, tư duy ấy đối với trẻ em là điều rất khó khăn. Với các môn nghệ thuật, chỉ nên yêu cầu ở trẻ sự hứng thú chứ không thể đòi hỏi niềm đam mê. Tình yêu với nghệ thuật không phải tự nhiên mà có, nó bắt đầu từ sự hứng thú với cây đàn, cây cọ, động tác múa… và sau một thời gian khá dài, những cảm xúc ấy sẽ được bồi đắp thêm.
Chị Tuyết Anh cho biết, ít nhất khi trẻ được 4 tuổi thì phụ huynh mới nên cho trẻ tiếp xúc nghệ thuật. Bởi vào lứa tuổi đó, trẻ mới có sự rung cảm với nghệ thuật (như đàn, hát, múa, vẽ tranh…), có cảm giác thích thú và muốn làm quen với nghệ thuật.
Nhiều bậc phụ huynh đưa con đến với trung tâm để mong con cái mình sẽ thông minh hơn sau khi tiếp xúc với nghệ thuật, chị Tuyết Anh khẳng định: “Không thể nói một đứa trẻ học nghệ thuật thông minh hay sẽ giỏi hơn đứa trẻ không học nghệ thuật được”.
Tuy nhiên, rất nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng chỉ cần học nghệ thuật, đứa trẻ nào cũng có niềm yêu thích với các bộ môn nghệ thuật và sẽ trở thành “thần đồng”. Thậm chí các bà mẹ còn truyền tai nhau cách cho con nghe nhạc cổ điển ngay từ trong bụng mẹ để trẻ thông minh hơn, tuy nhiên, đôi lúc cách làm này sẽ phản tác dụng.
Bởi thai nhi ngủ phần lớn thời gian trong bụng mẹ. Nếu bật nhạc cho bé nghe nhiều sẽ làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến nhịp sinh học của bé. Ngoài ra, nước ối có khả năng khuếch đại rất tốt những âm thanh trầm (như tiếng guitar bass) và tiếng nói của người mẹ. Đặc biệt nếu bật nhạc to có thể ảnh hưởng đến thính giác non nớt của bé.
Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ với những trẻ có niềm đam mê với nghệ thuật thường có thành tích học tập cao hơn những em khác bởi nghệ thuật giúp trẻ phát triển IQ cũng như hoàn thiện một số phần của não. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng thích nghệ thuật và có khả năng trở thành thần đồng nghệ thuật, hay thần đồng của bất kỳ nghề nghiệp nào khác.
Mục đích của giáo dục chính là phát triển sự lành mạnh nhất của cá thể, nghĩa là giáo dục chỉ là người định hướng, tạo cảm hứng, xây dựng nền tảng kỹ thuật hay công cụ. Đồng thời, phải tạo điều kiện để đứa trẻ phát huy mọi tố chất và tính tự chủ cao. Việc học các môn kỹ năng sống, năng khiếu cũng vậy, sẽ rất tốt nếu các em được tiếp cận sớm với các chương trình này. Tuy nhiên, nó phải là một cách tự nhiên!
Do vậy, trước khi đưa con đi học các lớp nghệ thuật, phụ huynh cần tôn trọng sở thích của con cái mình và xác định mục đích của các môn học này là giúp các em đẹp hơn và biết yêu cái đẹp, giúp cho các em hình thành một hệ thống giá trị và năng lực cảm thụ thẩm mỹ, phát triển mạnh mẽ tình yêu và sự hài hòa chứ không phải để đào tạo ra một “thần đồng”.
Văn Hải (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment