Monday, October 24, 2016

Số phận các chiến hạm VNCH trong Hải quân Philippines

Sau năm 1975, nhiều tàu chiến từng nằm trong biên chế Hải quân VNCH đã đào thoát sang Philippines và được đưa vào trang bị trong lực lượng hải quân nước này.

Tàu HQ-1 của VNCH, sau này trở thành soái hạm BRP Rajah Lakandula của Philippines.

Trước năm 1975, Hải quân VNCH được Mỹ viện trợ hàng trăm tàu chiến lớn, nhỏ. Hầu hết các tàu này được đưa vào trang bị trong Hải quân Nhân dân Việt Nam sau khi đất nước thống nhất và sau này phục vụ các chiến dịch bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tuy nhiên, ngay trong tháng 4/1975, có một số chiến hạm trong biên chế Hải quân VNCH đã di chuyển tới Philippines. Những chiếc tàu này được đưa vào trang bị trong hải quân nước này. Vậy số phận những chiếc tàu chiến này ra sao?

“Soái hạm Hải quân Philippines”

VNCH được Mỹ viện trợ số lượng tàu chiến đông đảo, đủ kích cỡ. Tuy nhiên, chiếm đa số đều là các tàu cỡ nhỏ, nếu là cỡ lớn thì lại là loại tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ.

Dẫu sao, ít nhiều Mỹ cũng viện trợ cho VNCH một vài chiếc tàu có thể coi là “tàu chiến thực thụ”, đó là hai tàu khu trục hộ tống (*) lớp Edsall (HQ-1 Trần Hưng Đạo và HQ-4 Trần Khánh Dư).

Tàu lớp Edsall có lượng giãn nước 1.590 tấn, dài 93,3m. Tàu vũ trang 3 pháo hạm 76mm, 2 pháo phòng không 40mm, 8 pháo phòng không 20mm, 3 máy phóng ngư lôi 533mm, hệ thống cối chống ngầm.

Tháng 4/1975, binh lính VNCH đã dùng tàu HQ-1 Trần Hưng Đạo tháo chạy sang Philippines. Chiếc còn lại Hải quân Nhân dân Việt Nam tiếp quản và đưa vào sử dụng.

Chiếc HQ-1 được Philippines sửa chữa nâng cấp (bỏ tháp pháo 76mm và thay bằng 2 tháp pháo 127mm) và chính thức đưa vào trang bị tháng 7/1976 với cái tên mới BRP Rajah Lakandula (PF-4).

Kể từ năm 1981-1988, BRP Rajah Lakandula trở thành soái hạm Hải quân Philippines. Con tàu chủ yếu tham gia nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biển, thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Năm 1988, con tàu loại ra khỏi biên chế hải quân và được sử dụng như doanh trại nổi vịnh Subic tới năm 1999 thì bị phá dỡ.

Số phận những tàu lớn nhất

Lớp tàu Edsall tuy là những chiếc tàu có hỏa lực tương đối mạnh đối với một pháo hạm nhưng đó chưa phải là tàu to nhất.

Trong biên chế Hải quân VNCH có 7 tàu chiến lớp Casco (*) được coi là những tàu lớn nhất. Thậm chí, VNCH còn gọi nó là “tuần dương hạm”, dù lượng giãn nước chỉ tương đương khinh hạm. Thực tế, trước khi chuyển cho VNCH, 7 tàu Casco được dùng cho lực lượng tuần duyên bảo vệ bờ biển Mỹ.

Tàu lớp Casco có lượng giãn nước 2.800 tấn, dài hơn 94m, thủy thủ đoàn gần 200 người. Hệ thống vũ khí hạng nhẹ: tháp pháo 127mm, pháo cối 81mm và súng máy.

Tháng 4/1975, binh lính VNCH đã lấy 6 chiếc Casco chạy sang Philippines. Đương nhiên, Philippines không ngần ngại tiếp nhận toàn bộ số tàu này vào trang bị. Dù vậy, trong 6 chiếc, họ chỉ dùng 4 chiếc còn lại 2 chiếc được tháo dỡ lấy phụ tùng.

Năm 1979, chính quyền Philippines quyết định hiện đại hóa toàn diện hệ thống vũ khí và điện tử và điện tử trên 4 tàu. Tàu lắp thêm pháo 20-40mm, thiết kế thêm sân đáp trực thăng ở đuôi tàu.

Tới cuối những năm 1980, Hải quân Philippines dự định trang bị thêm tổ hợp tên lửa hành trình RGM-84 Harpoon nhưng do khủng hoảng kinh tế nên không thực hiện được.

Giai đoạn 1991-1993 và năm 2003, cả bốn tàu lần lượt bị phá dỡ.

Thoát kiếp "sắt vụn"

Hầu hết các tàu chiến cỡ lớn của VNCH trong Hải quân Philippines đều bị loại bỏ vào những năm 1990 nhưng vẫn có một số ít được hoạt động tới tận ngày nay.

Năm 1975, khi tháo chạy, binh lính VNCH đã đưa ba tàu hộ tống cỡ lớn PCE (HQ-07 Đống Đa II, HQ-12 Ngọc Hồi và HQ-14 Vạn Kiếp II) sang Philippines.

Tàu PCE có lượng giãn nước 903 tấn, dài 56m, thủy thủ đoàn 99 người. Vũ khí chính của tàu gồm pháo hạm 76mm và 40mm cùng hệ thống chống tàu ngầm.

Sau khi tiến hành sửa chữa, cả ba tàu cùng đưa vào biên chế Hải quân Philippines với tên mới (BRP Sultan Kudarat, BRP Miguel Malvar, BRP Datu Marikudo).

Trong giai đoạn 1990-1991, các tàu trải qua đợt đại tu sửa chữa lớn, gỡ bỏ toàn bộ hệ thống vũ khí chống ngầm, thay mới radar, trang bị thêm các hệ thống liên lạc và định vị vệ tinh.

Tính từ thời điểm hạ thủy tới năm 2012, ba tàu PCE đều đã xấp xỉ 70 năm tuổi. Dù vậy, chưa có dấu hiệu Philippines cho chúng nghỉ hưu.

Những năm gần đây, các tàu này vẫn tiếp tục tham gia đều đặn các cuộc tập trận với Hải quân Mỹ.

Ngoài tàu chiến, tàu "gốc Việt" trong Hải quân Philippines còn có các tàu vận tải đổ bộ (cỡ trung, cỡ lớn). Tương tự số phận tàu chiến, ngày nay chỉ còn một số rất ít hoạt động, phần còn lại đều bị tháo dỡ lấy sắt vụn.

(*) - Tàu khu trục hộ tống (Destroyer Escort) là phân loại tàu chiến của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là tàu chiến vũ trang nhẹ, cỡ nhỏ sử dụng hộ tống đoàn tàu hậu cần trên biển.

- Tàu lớp Casco: HQ-2 Trần Quang Khải, HQ-3 Trần Nhật Duật, HQ-5 Trần Bình Trọng, HQ-6 Trần Quốc Toản, HQ-15 Phạm Ngũ Lão, HQ-16 Lý Thường Kiệt, HQ-17 Ngô Quyền.

Trong đó, HQ-15 được đưa vào biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam, tàu HQ-3 và HQ-6 được Philippines tháo dỡ lấy phụ tùng. Bốn tàu còn lại đổi tên thành: BRP Diego Silang (PF-9), BRP Francisco Dagohoy (PF-10), BRP Andres Bonifacio (PF-7) và BRP Greogorio del Pilar (PF-8).


Văn Hải Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Phía sau bức ảnh gây sốc về chế độ Apartheid

Một bức ảnh được chụp trong cuộc biểu tình năm 1976 của các học sinh tại Soweto, Johannesburg (Nam Phi) không chỉ khiến số phận của 3 con người thay đổi mà còn bóc trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid với cả thế giới.


Năm 1976, chính phủ Nam Phi ra quyết định tất cả học sinh da màu tại nước này chỉ được dạy bằng tiếng Afrikaans và tiếng Anh. Đối với cô bé 15 tuổi Antoinette Sithole, đó là thông tin gây choáng váng bởi Afrikaans là thứ tiếng có nguồn gốc từ thực dân Hà Lan tại Nam Phi.

Do vậy, Sithole và 20.000 học sinh khác tại các trường trung học ở Soweto đã bí mật lên kế hoạch biểu tình. Các em viết biểu ngữ, tập các bài hát về tự do. Về nhà, Sithole háo hức là phẳng phiu bộ đồng phục, nhét các áp phích vào cặp. Còn cậu em trai 13 tuổi Hector Pieterson nhìn chị gái với vẻ ghen tị bởi các học sinh nhỏ tuổi hơn không được tham gia. Vào sáng sớm lạnh lẽo và u ám ngày 16/6/1976, Sithole đến địa điểm hẹn trước để tham gia cuộc biểu tình.

Mặc dù được lên kế hoạch bí mật nhưng thông tin về sự kiện này vẫn bị rò rỉ tới báo giới. Sam Nzima, phóng viên ảnh 42 tuổi của tờ The World được cử đến địa điểm để đưa tin. Nzima được nhận vào The World tại Johannesburg vào năm 1968 do đây là tờ báo của người da màu, viết bởi người da màu và phát hành cho người da màu. Các phóng viên của The World chỉ được phỏng vấn người da màu và bị cấm đưa tin về người da trắng.

Nzima đến Soweto từ khoảng 6 giờ sáng, khi đó các học sinh đã chuẩn bị sẵn sàng. Ngay từ đầu, Nzima linh tính về điều không hay sẽ xảy ra. Hầu hết các học sinh còn quá non nớt. Nzima từng chứng kiến nhiều lần cảnh sát của chế độ Apartheid ra tay và anh biết rằng các học sinh sẽ bị bắt hoặc sát hại bởi khi đó chưa có súng bắn đạn cao su mà cảnh sát chỉ dùng đạn thật.

Vài giờ sau, hàng nghìn học sinh tràn đến Soweto. Đột nhiên, có tiếng nổ và khí ga ngập ngụa đường phố. Cảnh sát ùa ra các nẻo đường, ập vào nhà người dân. Đôi mắt của Sithole bỏng rát. Từ nơi ẩn náu, cô nhìn thấy cậu em trai Hector ở bên kia đường. Sithole vẫy tay, hét lên yêu cầu cậu bé đứng yên tại chỗ.

Nzima khi đó đứng ở khu vực giữa hai phe và quan sát thấy những nhân viên an ninh da trắng đã nổ súng vào đám đông học sinh. Rồi Nzima thấy một cậu bé ngã xuống trong làn đạn.

Về phần Sithole, cô đã lạc mất em trai. Bỗng Sithole nhìn thấy một thanh niên chạy qua, trên tay anh ta là cậu bé bị trúng đạn đã ngất lịm. Sithole nhận ra đôi giày quen thuộc của cậu em trai bé nhỏ. Cảm thấy bất an, Sithole tuyệt vọng đuổi theo người thanh niên lạ mặt và nhận thấy trên mặt em trai Hector có vết máu. Một chiếc xe ô tô dừng lại giúp đưa Hector đến trạm xá gần nhất nhưng mọi việc đã quá muộn, cậu bé đã trút hơi thở cuối cùng.

Hai năm sau Sithole mới biết tên chàng trai đã cố gắng cứu giúp Hector, đó là Mbuyisa Makhubo (18 tuổi). Mbuyisa đã tốt nghiệp và không tham gia cuộc biểu tình nhưng anh cũng biết về sự kiện này qua bạn bè. Vụ nổ súng xảy ra khi Mbuyisa đang ở nhà và anh liền lao ra ngoài để giúp đỡ.

Từ thời điểm cảnh sát da trắng nổ súng cho tới khi Hector được đưa lên xe, Nzima đã chụp được 6 bức ảnh. Nzima biết cảnh sát đã chú ý do vậy phóng viên ảnh này nhanh trí giấu cuộn phim vào tất rồi thay thế một cuộn phim mới vào máy ảnh. Đúng như Nzima linh tính, cảnh sát đã bắt anh phải mở máy ảnh, trình mọi cuộn phim rồi phá hủy chúng.

Khi phim được rửa thành ảnh, đã có tranh cãi xảy ra trong ban biên tập của The World về việc có nên đăng bức ảnh hay không. Trong bức ảnh là Mbuyisa với gương mặt xót xa, trên tay bế cậu bé Hector đang đẫm máu, bên cạnh họ là Sithole đầy đau khổ.

Nzima nhớ lại rằng một biên tập viên lo lắng nói: “Nếu chúng ta dùng bức ảnh này, nội chiến có thể bùng phát tại Nam Phi”. Nhưng những người khác lại khẳng định không có từ ngữ nào chân thực hơn bức ảnh này để miêu tả về tình hình ở Soweto. Trẻ em đã bị cảnh sát chế độ Apartheid sát hại. Cuối cùng ban biên tập The World quyết định đăng bức ảnh. Đã có khoảng 170 người thiệt mạng trong vụ cảnh sát nổ súng vào học sinh tại Soweto.

Không lâu sau, bức ảnh của Nzima đã xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo từ New York tới Moskva. Thế giới nhận ra bộ mặt thật của chế độ Apartheid. Chính phủ Mỹ liền chỉ trích vụ nổ súng vào học sinh ở Soweto trong khi các nhà hoạt động trên khắp thế giới kêu gọi trừng phạt kinh tế, phản đối chế độ Apartheid ở Nam Phi. Vụ biểu tình ở Soweto đã gieo hạt giống dân chủ tại Nam Phi bởi sau đó những cuộc trấn áp của người da trắng cầm quyền với phong trào biểu tình của người da màu đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Năm 1994, chế độ Apartheid sụp đổ, cuộc tổng tuyển cử đa chủng tộc của Nam Phi đã chọn ra chính trị gia kiệt xuất Nelson Mandela làm tổng thống da màu đầu tiên của nước này.

Sau này Sithole hồi tưởng lại: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đó sẽ là cột mốc thay đổi. Cuộc biểu tình có mục đích phản đối việc dùng tiếng Afrikaans trong trường học nhưng nó đã khiến nhiều nước khác phải ‘nhíu mày’ bởi làm thế nào mà một đứa trẻ lại bị giết vì đòi quyền lợi của mình?”.

Sau khi bức ảnh gây “bão’ trong cộng đồng quốc tế, số phận của Nzima, Sithole và Makhubo có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Nzima bị cảnh sát gây khó dễ, họ còn ra mệnh lệnh: “Bất cứ lúc nào phát hiện Nzima chụp ảnh hãy bắn anh ta, giết anh ta”. Nzima ngay lập tức nghỉ việc và phải chạy trốn về quê nhà ở Lillydale. Anh không bao giờ chụp ảnh nữa. Chính phủ của chế độ Apartheid 2 năm sau đó ra lệnh đóng cửa tờ báo The World và khám xét tòa soạn này.

Còn Mbuyisa thì rối bời và buồn bã về cái chết của cậu bé Hector. Sau này, cảnh sát còn buộc tội Mbuyisa sắp đặt cho bức ảnh để “bôi nhọ” chính phủ. Mbuyisa chìm sâu vào trầm cảm rồi bỏ nhà ra đi. Lần cuối cùng gia đình Mbuyisa nghe về anh là vào năm 1978 khi anh gửi một bức thư từ Nigeria cho biết đang lên kế hoạch đi bộ tới Jamaica.

Hàng năm, Nzima vẫn gặp gỡ với những học sinh Nam Phi để kể lại cho các em về vụ việc ở Soweto. Còn Sithole giúp đỡ thành lập và vận hành bảo tàng Hector Pieterson. Đến nay, cả Nzima và Sithole đều cảm thấy day dứt về sự biến mất của Mbuyisa.


Văn Hải (tổng hợp)

Chuyện Bá tước Nga được vua Thành Thái tặng huy chương

Nhà vua đã ban cho vị khách Nga nhiều món quà tặng, trong đó có hai chiếc quạt lớn bằng lông công có tay cầm bằng ngà và chiếc ô sang trọng. 

Vua Thành Thái.

Cho đến nay, hàng trăm công dân Nga đã được trao tặng huân chương, hàng ngàn người khác được nhận huy chương của Việt Nam.

Nhưng ai là người Nga đầu tiên được trao tặng danh hiệu này? Và điều đó xảy ra khi nào? Lời đáp cho câu hỏi này có thể tìm thấy trong cuốn nhật ký du hành thành viên Hiệp hội Địa lý Nga, bá tước Constantine Viazemsky được công bố tại Moskva năm 1892, khi ông đến thăm Việt Nam. Xin nói thêm là ông Vyazemsky đã có mặt tại đây lâu hơn các vị khách đến thăm Việt Nam vào giai đoạn đó. Ông đã ở Việt Nam trong vòng bốn tháng liền và cưỡi ngựa rong ruổi từ Bắc tới Nam.

Sau khi biết bá tước Nga đến Huế, ông được mời đến gặp vua Thành Thái. Vyazemsky mô tả tỉ mỉ cung điện vua Thành Thái, những người trong Hoàng gia và giới cận thần, tiệc yến mà nhà vua thiết đãi bá tước Nga, các bản nhạc được chơi trong khi ăn, những tiết mục trên sân khấu tiếp theo đó. Nhà vua đã ban cho vị khách Nga nhiều món quà tặng, trong đó có hai chiếc quạt lớn bằng lông công có tay cầm bằng ngà và chiếc ô sang trọng.

Nhà vua cũng thưởng cho bá tước Viazemsky hai huy chương dân sự và quân sự Việt Nam cao quý nhất, cùng với mười huy chương ý nghĩa thấp hơn. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng bá tước Vyazemsky là người Nga đầu tiên được nhận tặng thưởng của nhà nước Việt Nam. Một trong những trang thú vị nhất cuốn nhật ký lữ hành của bá tước Vyazemsky kể về chuyện ông đã ở trong kinh đô Việt Nam như thế nào.

Đây quả là một cuộc điều tra thực sự về kinh kỳ Huế vào thời điểm đó. Thành phố này được tác giả mô tả trong các khía cạnh khác nhau: kiến trúc, chính trị, hành chính, lịch sử, văn hóa và xã hội. Bá tước thực sự đặc biệt ngưỡng mộ lăng tẩm của các hoàng đế.

Từ Huế, bá tước Nga cưỡi ngựa đến Đà Nẵng. Trong nhật ký của mình, ông lưu ý rằng từ thành phố này người Pháp đã thâm nhập rộng rãi ra khắp Đông Dương. Bá tước phân tích giá trị kinh tế của cảng Đà Nẵng và liệt kê các sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu qua cảng này đến các nước khác. Bá tước Vyazemsky lưu ý đến số lượng lớn người Âu ở thành phố này và sự Âu hoá mạnh mẽ ở Đà Nẵng. "Ngay cả vợ con các quan lại Việt Nam cũng tán chuyện với nhau bằng tiếng Pháp và mặc trang phục châu Âu." Trong vùng ngoại ô Tây Ninh, ông Vyazemsky leo núi Bà Đen, từ trên đỉnh núi cao ngắm nhìn "vẻ ngoạn mục đáng yêu của đất nước." Ông cũng tham gia một nghi lễ tôn giáo tại ngôi chùa trên núi.

Đối với vị du khách người Nga, trước đó đã đến thăm hàng chục quốc gia châu Á, Sài Gòn là thành phố văn minh nhất Viễn Đông và cũng là thành phố Âu hóa nhất mà ông thấy ở châu Á. Đặc biệt ấn tượng nhất là dinh Công sứ, dinh Thống đốc, bưu điện, bệnh viện và phòng thí nghiệm, nơi mà Pasteur hướng dẫn học trò tiến hành nghiên cứu vắc-xin. Bá tước rất khâm phục Vườn bách thảo địa phương. Ông lưu ý trong nhật ký của mình "Khu vườn này nổi tiếng khắp Đông Dương".

Trong Chợ Lớn, bá tước Nga chú ý đến "sự pha trộn giữa châu Âu với các yếu tố châu Á. Người người ai cũng mải mê buôn bán. Tất cả các con sông nườm nượp tàu thuyền chở gạo". Du khách Nga kinh ngạc thấy rằng ở Chợ Lớn người ta công khai bào chế, buôn bán thuốc phiện, thậm chí đưa vào sản xuất công nghiệp. Lên án chính quyền Pháp, ông Vyazemsky cáo buộc người Pháp "vô đạo đức hoàn toàn" trong vấn đề này.

Sau khi rời Sài Gòn tháng 7 năm 1892, bá tước Nga vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình qua Campuchia, Xiêm La (Thái Lan ngày nay), Miến Điện (Myanmar). Ông sống ba tháng ở Ấn Độ và sau đó qua dãy Himalaya, Tây Tạng, Trung Á, Ba Tư và Caucasus (Kavkaz) trong năm 1894, rồi trở về St. Petersburg. Nói về chuyến lữ hành trên đất Việt Nam của bá tước Vyazemsky, sử gia Moskva Anatoly Sokolov đánh giá rằng, "đối với 19, chuyến đi này thật sự độc đáo. Và nhật ký của bá tước Vyazemsky quả là chuyên khảo khoa học và nghệ thuật tuyệt vời. Cho đến nay, nhiều chuyên gia các lĩnh vực khác nhau vẫn có thể tìm thấy ở các trang sách này rất nhiều điều hữu ích."


Văn Hải Theo SPUTNIK

Huyền thoại Banzai của quân cảm tử Nhật Bản

Banzai, tiếng hô xung trận của các binh sĩ cảm tử Nhật Bản đã tạo nên một huyền thoại hồi Thế Chiến II.


Chiến lược tấn công Banzai (Vạn tuế) là tên gọi do Lực lượng Đồng minh đặt cho chiến lược tấn công cảm tử của bộ binh Nhật. Tên gọi này đến từ việc người lính cảm tử của Nhật hô lên khẩu hiệu khi xung kích: "Thiên hoàng bệ hạ vạn tuế!" (天皇陛下万歳 - Tenno Heika Banzai). Được sử dụng nhiều trong chiến tranh Thái Bình Dương, chiến lược này gây áp đảo và hoang mang cho tinh thần đối phương, đặc biệt khi họ chưa chuẩn bị trước mà bị đánh bất ngờ. Chiến lược Banzai cũng rất giống chiến thuật biển người.

Nguồn gốc

Cách tấn công này vốn được xem như một hành động minh chứng cho danh dự trước khi chết gọi là gyokusai (玉砕 Ngọc toái, nghĩa đen là ngọc nát, nghĩa bóng là tự sát để bảo toàn danh dự), có tính chất tương tự như seppuku. Trong Bắc Tề thư (thế kỷ VII) có ghi rằng: "Đại trượng phu ninh khả ngọc toái hà năng ngõa toàn 大丈夫寧可玉砕何能瓦全" (Đại trượng phu thà làm ngọc nát chứ sao lại làm ngói lành). Ngay từ thời Chiến quốc ở Nhật Bản, võ sĩ đạo được đặt làm nền móng tư tưởng chủ đạo, đề cao lòng trung hiếu. Sau này, một số điểm trong tư tưởng võ sĩ đạo cũng được dùng trong chính quyền quân phiệt Nhật.

Cùng những thay đổi mang tính cách mạng trong cuộc Duy tân Minh Trị và những cuộc chiến tranh với nhà Thanh và quân Nga, chính quyền quân phiệt Nhật đã tiếp thu và nâng tầm đường lối võ sĩ đạo theo hướng "trung quân ái quốc". Trái với tư tưởng này, một số người lính thời đó đã chọn đầu hàng thay vì tự tử. Cái chết của Saigo Takamori, thủ lĩnh của thế lực samurai cũ trong cuộc chiến tranh Tây Nam là một minh chứng hùng hồn của danh dự và lòng trung thành với Thiên hoàng, và cũng được xem như biểu tượng quốc gia vào những năm sau đó.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai

Trong suốt thời gian chiến tranh, chính quyền quân phiệt Nhật đã tuyên truyền tư tưởng "quyết tâm cảm tử" bằng những cuộc tấn công tự sát, dùng võ sĩ đạo làm nền móng cho chiến dịch, xem hi sinh như nghĩa vụ đối với Thiên hoàng và đất nước. Cho đến cuối năm 1944, Nhật hoàng phát động "Nhất ức ngọc toái" (一億玉砕 ichioku gyokusai) để đáp trả quân Đồng minh đến tháng 8 năm 1945.

Vũ khí quân Nhật sử dụng trong chiến lược Banzai gồm có: kiếm Nhật, cây gỗ được vót nhọn và súng trường gắn lưỡi lê.

Trong cuộc xâm lược Trung Quốc, chiến lược Banzai tỏ ra vô cùng hiệu quả vì quân đội Trung Quốc lúc đó chưa được đào tạo chuyên sâu và thiếu kỷ luật, lại thêm phần bị bất ngờ bởi chiến lược chớp nhoáng và đánh liều này. Nhưng chiến lược này đã bị hạ gục bởi hỏa lực cực mạnh của quân đội Hoa Kỳ.

Trong cuộc đổ bộ của Mỹ vào đảo Makin, vào ngày 17 tháng 8 năm 1942, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã phát hiện và bắn hạ lính súng máy của Nhật. Ngay sau đó, quân Nhật đã thực hiện chiến lược Banzai hòng gây bất ngờ cho lính Mỹ. Nhưng hỏa lực của Mỹ vẫn mạnh hơn với súng trường M1 Garand, súng tiểu liên Thompson và súng trung liên BAR. Hàng chục người lính Nhật chết như ngả rạ sau sự đáp trả ác liệt của lính Mỹ. Do vậy, dù quân Nhật đã tiến hành nhiều hơn những cuộc tấn công cảm tử, họ vẫn không thành công.

Đặc biệt hơn, trong chiến dịch Guadalcanal, vào ngày 21 tháng 8 năm 1942, Đại tá Lục quân Kiyonao Ichiki dẫn 800 lính Nhật tập kích thẳng vào phòng tuyến của Mỹ đang phòng thủ tại sân bay Henderson trong trận Tenaru. Sau khi tiếp cận địch từ trong rừng sâu, quân của Ichiki đã sử dụng chiến lược Banzai nhắm thẳng vào phòng tuyến quân Mỹ. Dù vậy, do đã chuẩn bị trước, quân Mỹ đã chiếm ưu thế và giết chết hàng trăm lính Nhật tại trận và bản thân Ichiki cũng phải tự sát.

Cuộc tấn công kiểu Banzai lớn nhất phải nói đến trận Saipan vào năm 1944. Con số lính Nhật tử trận lên đến gần 4300, Tiểu đoàn bộ binh số 1 và 2, sư đoàn Bộ binh số 105 của Hoa Kỳ bị tiêu diệt gần hết với số lính tử trận lên đến 650 người.

Chiến lược Banzai thường được dùng trong trường hợp những người lính Nhật còn sống sau cuộc đụng độ với lính Đồng minh, như một lựa chọn liều mạng thay vì phải đầu hàng.


Văn Hải (tổng hợp)

Chùm ảnh: Choáng ngợp trước dinh thự Tổng lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM

Tòa Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM đã gần 150 trăm năm tuổi, luôn kín cổng cao tường khiến nhiều người tò mò bên trong có gì đặc biệt.


Tòa nhà Tổng lãnh sự quán Pháp được xây dựng năm 1872 trên đường Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM). Đây vốn là nơi bất khả xâm phạm. Nhân ngày di sản châu Âu, Tổng lãnh sự đã có buổi giới thiệu về tòa nhà này.


Tòa nhà hình chữ nhật được bao quanh bởi khuôn viên vườn rộng 1,5 ha, được xây dựng theo kiến trúc Pháp giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Có 3 cửa vào tòa nhà, bao quanh là một hành lang có mái che rộng.


Để tòa nhà tránh tiếng ồn từ phía ngoài, ánh nắng mặt trời và mưa gió, hành lang được thiết kế có nhiều cửa sổ bốn cánh kéo dài đến tận trần nhà. Toàn bộ tòa nhà có 64 cửa sổ.


Dọc hành lang mặt chính được đặt những chiếc ghế sơn mài khảm cẩm thạch có hoa văn hình trái tim hoặc hình thoi theo 4 biểu tượng cơ, rô, chuồn, bích. Có chiếc thì có hoa văn song hỷ, đào tiên.


Một cầu thang lớn dẫn lên khu vực sinh hoạt gia đình của ngài Tổng lãnh sự. Vị trí của cầu thang được xếp đặt khéo léo giữa các cửa sổ hai tầng. Tại phần chiếu nghỉ có đặt một chiếc đồng hồ quả lắc vỏ gỗ kích thước lớn.


Dọc hành lang đặt hai ô kính lưu giữ những vật dụng bằng bạc như bộ đồ ăn, bình đựng nước, ly thủy tinh. Chữ viết tắt trên đồ bạc thể hiện các thời kỳ khác nhau mà chúng được chế tác.


Chữ N với vương miện trên đầu thể hiện cho Napoléon đệ tam, GG là Toàn Quyền, HC là Tổng Ủy và RF là Cộng hòa Pháp, CGF là viết tắt của Tổng lãnh sự quán Pháp.


Đây là phòng chính tổ chức các sự kiện khánh tiết của dinh Tổng lãnh sự. Trần nhà được trùng tu mới nhất vào năm 2000. Bao quanh phòng khách là các cửa sổ hình vòm lắp kính. Bàn ghế trong phòng này có từ những năm 50 của thế kỷ trước. Trên tường treo nhiều bức tranh nổi tiếng như: "Vườn Xuân" tạo thành từ 9 bức rời nhau của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993).


Trong phòng khách còn có một chiếc tủ gỗ khảm xà cừ có nguồn gốc từ Huế. Điểm đặc biệt của nó là được chạm khắc trên cả hai mặt.


Bức tượng Chăm trong phòng khách cũng như tượng đầu rắn Naga được chế tác từ thế kỷ thứ X. Ngoài ra còn có nhiều pho tượng của quốc gia khác như Thái Lan được chế tác vào thế kỷ XIX.


Một pho tượng cổ của Việt Nam được trưng bày trong phòng khách.


Hành lang phía sau của tòa nhà dẫn ra khu vườn rộng 1,5 hecta. tại đây được trồng nhiều cây cổ thụ có tuổi hơn trăm năm. Ngoài ra còn nhiều loại khác mang đậm nét văn hóa Việt Nam như cọ, tre, mận, hoa lan, hoa sứ, hoa phượng....


Có 2 bức tượng phật bằng đá được trưng bày trong khu vườn, là quà tặng của một công dân Pháp.


Sau những giờ làm việc mệt mỏi, đây là nơi ngài Tổng lãnh sự nghỉ ngơi, đồng thời là nơi diễn ra những bữa tiệc nhỏ của Lãnh sự quán Pháp.


Văn Hải (tổng hợp)

Chùm ảnh: Hổ Quyền ở Huế - đấu trường cổ có 1-0-2 của thế giới

Hổ Quyền ở kinh thành Huế là một đấu trường cổ độc đáo của Việt Nam, không hề có ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.


Được vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm 1830 ở kinh thành Huế, Hổ Quyền là đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ nhằm tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí tiêu khiển cho vua, quan lại và dân chúng. Các nhà nghiên cứu nhận định, đây là một đấu trường cổ độc đáo của Việt Nam, không hề có ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.


Hồ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn, kết cấu bởi hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm cao gần 6m nếu tính cả lan can. Lối đi ở giữa hai vòng thành rộng 4m, trừ khu vực khán đài của vua được mở rộng hơn đáng kể.


Sân đấu của Hổ Quyền là một thảm cỏ hình tròn, có đường kính 44m. Quanh vòng tường thành có trổ 5 chuồng cọp và một cửa vòm lớn dành cho voi ra vào sân đấu.


Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng Đông Nam của đấu trường, được xây cao và rộng hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên dành cho vua và đoàn tùy tùng.


Đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng cọp nằm liền kề nhau, chuồng ngoài cùng bên trái trổ cổng to hơn các chuồng còn lại.


Tấm bảng tên phía dưới khán đài.


Cửa voi đi nằm về phía bên phải khán đài, rộng 1,90m, cao gần 4m, có hai cánh bằng gỗ lớn (nay không còn), bản lề bằng đá.


Con đường trên cửa voi đi được thu hẹp bằng một cây cầu.


Bên phải cửa voi đi là một một hệ thống bậc cấp khác dành cho các quan, binh lính và du khách.


Các chuồng nhốt hổ có cổng thông với đấu trường, phía trên để lộ thiên.


Theo sử sách, trận đấu cuối cùng ở Hổ Quyền tổ chức vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái.


Sau nhiều thăng trầm lịch sử, di tích Hổ Quyền đã bị xuống cấp nghiêm trọng.


Văn Hải (tổng hợp)

Chùm ảnh: Xác ướp đẹp hoàn hảo của nữ quý tộc Việt

Khi mới khai quật, sự hoàn hảo của xác ướp đã khiến các nhà khảo cổ ngạc nhiên. Các khớp xương vẫn co duỗi linh hoạt, cơ thể chưa bị phân hủy... 



Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP HCM là nơi lưu giữ một "hiện vật" đặc biệt khiến nhiều du khách trong và ngoài nước sửng sốt khi được chứng kiến, đó là xác ướp của một nữ quý tộc Việt có niên đại 2 thế kỷ.


Xác ướp người phụ nữ được các nhà khảo cổ học phát hiện năm 1994 trong một ngôi mộ cổ song táng (hai quan tài) bề thế tại xóm Củi (phường 8, Q. 5, TP. HCM). Xác ướp còn nguyên vẹn, nằm ngập dưới dung dịch dầu thơm màu nâu đỏ trong một quan tài gỗ dài 2,2m, cao 50cm. Quan tài còn lại chứa một ít xương, thuộc về một nam giới.


Thông qua các hiện vật thu được từ ngôi mộ, các nhà khảo cổ xác định xác ướp là bà Nguyễn Thị Hiệu, một nữ quý tộc dưới thời nhà Nguyễn. Bà cao 1m52, tóc còn đen, làn da mịn màng như con gái, mất vào năm 1868 khi được khoảng 60 tuổi.


Khi mới khai quật, sự hoàn hảo của xác ướp đã khiến các nhà khảo cổ ngạc nhiên. Các khớp xương của bà Hiệu vẫn co duỗi linh hoạt, cơ thể bà chỉ bị teo lại chút ít, chưa có dấu hiệu phân hủy.


Cơ thể mảnh mai, bàn tay nhỏ nhắn của xác ướp khiến các nhà khoa học nhận định lúc sinh thời bà đã có một cuộc sống an nhàn, không phải lao động vất vả. Điều này phù hợp với địa vị quý tộc của bà.


Sau khi khai quật, xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu đã được đưa về bệnh viện Đại học Y dược để nghiên cứu. Sau đó xác ướp được chuyển đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam để lưu giữ và trưng bày cho đến ngày nay.




Hiện tại, do không còn được ngâm trong dung dịch bảo quản, xác ướp của bà Hiệu đã khô cứng, mũi và mí mắt gần như bị phân hủy hoàn toàn.


Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu là một trong những xác ướp nguyên vẹn nhất được phát hiện ở Việt Nam một thế kỷ qua. Đây là minh chứng cho nghệ thuật ướp xác đạt đến trình độ cao của người Việt trong quá khứ.


Văn Hải (tổng hợp)

Popular Posts