Hình ảnh rắn xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa trên thế giới, từ Hy Lạp cổ đại tới Maya, trong truyền thuyết, tôn giáo. Con rắn thường được nhắc tới tượng trưng cho cái ác nhưng nhiều nơi trên thế giới chúng được thần thánh hóa và tôn thờ.
Ở châu Úc, các thổ dân tôn sùng và thờ rắn cầu vồng khổng lồ. Với họ, rắn cầu vồng tượng trưng cho nước, là thực thể tâm linh lâu đời nhất.
Ở châu Phi, hình tượng rắn được thờ phụng ở rất nhiều quốc gia, dưới nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Tại Congo, uy lực tối cao của trời là con rắn Điămbô, không ai có thể ngồi lên lưng nó được. Ai trèo lên là lại tụt xuống thấp ngay. Người Ngbandi phía bắc Congo thờ rắn như thờ vị thần tối cao của dân tộc.
Người Whydah xem mãng xà như những vị thần linh thiêng. Nếu ai vô tình giết chúng thì sẽ bị trừng phạt, thậm chí nếu đó là người ngoại quốc sẽ bị chặt đầu.
Tại Jolo, Tây Virginia, nước Mỹ có một nhóm tín đồ cực đoan thích dùng rắn độc và uống nọc độc của chúng trong các nghi lễ tôn giáo huyền bí. Họ tin rằng nếu họ làm điều đó, họ có sẽ được sức mạnh của Chúa và có thể chữa lành mọi bệnh tật.
Rắn được xem như là một biểu tượng của sự bất tử ở Ấn Độ. (Ảnh: Flickriver.com)
Một số địa phương của Liberia lại gắn rắn với niềm tin về bói toán, tiên tri. Người dân ở miền nam Nigeria quan niệm, mỗi con mãng xà có linh hồn con người bên trong nó. Linh hồn được giải phóng bằng nghi lễ sau cái chết của loài bò sát và bất cứ hành vi phạm tội nào chống lại con rắn là một tội phạm đối với tổ tiên.
Những con rắn nhập vào các tôn giáo Ai Cập như một biểu tượng của thánh thần, của sự mê hoặc, đôi khi nó được tin như một lời sấm, lời tiên tri, thậm chí là một đấng tối cao. Thời cổ xưa, người Ai Cập cho rằng rắn là thần hộ mạng các vị vua chúa.
Ở châu Âu, tục thờ rắn phổ biến trong các cư dân sống quanh lưu vực sông. Một số nơi như Ba Lan, mỗi hộ gia đình thường giữ một con rắn trong nhà như thần bảo hộ. Ở đây, rắn được thần thánh hóa, sùng kính và thờ cúng.
Tại khu rừng nhỏ của Apollo ở Epirus, hàng năm diễn ra các lễ hội lớn, những tu nữ trinh tiết khỏa thân mang thực phẩm hiến tế rắn thiêng.
Ở Đan Mạch và một số hòn đảo thuộc Anh quốc, tín ngưỡng thờ rắn gắn với các nghi lễ hiến tế. Người ta thường tổ chức các nghi lễ này tại các gò đất, gần hồ và hiến tế các vật cúng cho rắn.
Ở châu Mỹ, một số bộ lạc thổ dân tôn kính loài rắn chuông như ông vua của loài rắn. Con rắn được coi như là cửa ngõ giao thoa giữa hai thế giới với người dân nhiều nền văn hóa Trung Mỹ. Không chỉ là biểu tượng của vị thần sáng thế, người Mexico cổ xem rắn như vị thần bảo hộ của gia đình. Người ta có thể để nó sống như những thành viên trong nhà.
Thần rắn Naga ở Campuchia.
Ở châu Á, tại Iran, quốc gia sở hữu vườn treo Babylon huyền thoại, người ta đã tìm thấy dấu vết của tín ngưỡng thờ con rắn thiêng qua hình vẽ, vòng tròn được chạm khắc trên vách các hang động. Người Ba Tư cổ thì thờ rắn rất thành tâm, kính trọng và rắn được coi như những vị thần vĩ đại nhất của họ.
Rắn được xem như là một biểu tượng của sự bất tử ở Ấn Độ. Tín ngưỡng thờ rắn đã ăn sâu trong đời sống văn hóa của cư dân nhiều vùng lãnh thổ của đất nước này. Trong lễ hội diễn ra vào tháng 7 hằng năm, rắn được tắm với sữa và người ta dụ rắn bằng cách chơi nhạc. Người dân để rắn cắn đã bị bẻ răng nanh và nọc độc mổ vào đầu trẻ để cầu mong sự bảo vệ, che chở. Shiva, vị thần với con rắn cuốn quanh cổ, là biểu tượng tiêu biểu cho nền văn hóa tôn thờ rắn của người Ấn Độ.
Ở Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á, tục thờ rắn cũng rất phổ biến. Trong tín ngưỡng dân gian của người Campuchia, thần rắn Naga là một vị thần tối thiêng. Trong văn hóa dân gian Việt Nam, rắn cũng là một hình tượng có sức ám ảnh mạnh mẽ.
Tại sao rắn được tôn thờ?
Với người Việt Nam, rắn là con vật hiểm ác, đáng sợ, không thân thiện với con người. Nhưng chính vì đặc tính đó mà con người thần thánh hóa loài rắn, thờ cúng rắn như một vị thủy thần để cầu thân với rắn, mong muốn không bị rắn làm hại.
Ở một số nước trên thế giới, người dân không sợ rắn, họ coi rắn như những người bạn và có thể sống chung, nuôi rắn trong nhà. Việc họ tôn thờ rắn xuất phát từ các huyền thoại thần rắn lông chim, rắn lông vũ, quái vật nửa người nửa rắn, rắn cầu vồng rất ly kỳ.
Trong những câu chuyện giải thích lý do con người tôn thờ rắn, thì loài vật này được miêu tả có hình dáng lạ và có uy lực rất khủng khiếp. Thế nhưng, cách lý giải thuyết phục nhất lại xuất phát từ hình dáng, đặc điểm thực tế của loài vật đặc biệt này.
Rắn là loài vật bí ẩn với con người.
Rắn là loài vật gây cảm giác sợ hãi và kính nể. Rắn vừa có sức cuốn hút đặc biệt, và cũng như cỗ máy giết người. Rắn sống ở hầu hết mọi nơi trên hành tinh.
Rắn có đủ các màu sắc, kích cỡ, có thể sống được ở hầu hết các môi trường tự nhiên, từ trên núi cao đến biển sâu, từ sa mạc đến rừng rậm, trên cây hay dưới đất. Tuy không có chân nhưng khả năng di chuyển của rắn rất nhanh mà không gây ra tiếng động. Rắn có thể di chuyển nhiều tư thế: bò ngang, thẳng, nửa dưới đất nửa thẳng đứng... Với con người, rắn vừa có hại, vừa có lợi.
Loài rắn cũng có đặc tính lột da, do vậy nó biểu trưng cho sự tái sinh, bất tử. Vì là đối tượng rất khó nắm bắt, luôn mang đến cho con người sự ngạc nhiên và bí ẩn nên loài rắn thường được thần thánh hóa như vậy.
Văn Hải (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment