Saturday, October 22, 2016

Chùm ảnh: Những thành tựu thần kỳ của Cuba giai đoạn Mỹ cấm vận

Trong hoàn cảnh khó khăn mọi bề do bị Mỹ cấm vận suốt nhiều thập niên, đất nước Cuba vẫn đạt những thành tựu thần kỳ khiến cả thế giới ngưỡng mộ.


Thành tựu nổi bật của Cuba cần được nhắc tới đầu tiên chính là ngành y tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận Cuba là đất nước sở hữu hệ thống y tế tốt nhất thế giới. Cuba có chuẩn y tế rất cao, hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện cho mọi người dân, hoàn toàn miễn phí, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao, ưu tiên phòng bệnh và chữa bệnh giai đoạn sớm.


Người Cuba có tuổi thọ trung bình là 78, ngang với Mỹ, cao hơn tất cả các quốc gia Nam Mỹ khác. Dù internet, điện thoại thông minh không phổ biến nhưng mỗi người dân đều có bác sĩ gia đình. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh của Cuba còn thấp hơn ở Mỹ. Cuba chỉ có 200 bệnh nhân AIDS và gần như không có người dân nào bị nhiễm viêm gan B.


Ngành "du lịch chữa bệnh" mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho Cuba, với hàng ngàn người châu Mỹ Latinh và châu Âu tới đảo quốc này để hưởng dịch vụ y tế tuyệt vời với giá rẻ ở các khu nghỉ dưỡng bên bờ biển. Các bác sĩ Cuba cũng đi khắp nơi trên thế giới để thực hiện sứ mệnh nhân đạo. Cuba là một trong những quốc gia có số lượng cán bộ y tế tham gia các chương trình hợp tác y tế ở nước ngoài nhiều nhất với gần 39.000 người, trong đó có khoảng 15.000 bác sỹ.


Cuba cũng được đánh giá là một trong các cường quốc công nghệ sinh học hàng đầu thế giới. Chính phủ Cuba ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, đầu tư xây dựng hàng loạt các cơ sở nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm sinh học trong đó có cơ sở tầm cỡ quốc tế. Đất nước này đã đạt nhiều thành tựu lớn như chế ra vaccin viêm màng não đầu tiên trên thế giới, vaccin viêm gan B dưới dạng thuốc nhỏ mũi, vaccin ngừa ung thư, thuốc điều trị AIDS.


Sau khi cách mạng thành công, từ một quốc gia có tới 30% số dân không biết đọc, biết viết, ngày nay Cuba trở thành điểm sáng về giáo dục ở khu vực và trên thế giới với tỷ lệ người mù chữ chỉ còn 0,2% trong tổng số 11,2 triệu dân. Giáo dục ở Cuba được miễn phí và 100% số trẻ em trong độ tuổi đi học đều được cắp sách đến trường.


UNESCO đã công nhận Cuba là nước đầu tiên ở Mỹ Latinh hoàn thành chỉ tiêu chương trình "Giáo dục cho mọi người" do LHQ đề ra tại diễn đàn thế giới tổ chức tại Bangladesh năm 2000 và xếp nước này đứng thứ 23 trên thế giới về thành tích giáo dục. Chính phủ Cuba luôn ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục. Ngân sách đầu tư giáo dục của nước này chiếm tới 13,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi nhiều nước Mỹ Latinh tỷ lệ này chỉ khoảng 5%.


Nhiều trường đại học của Cuba rất có uy tín trên thế giới và được nhiều sinh viên nước ngoài theo học, đặc biệt là các trường y, dược. Với 10.300 tiến sĩ và 45.000 thạc sĩ, Cuba là một trong những nước đứng hàng đầu khu vực Mỹ Latinh và Caribbean về đào tạo sau đại học.


Trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, nền thể thao Cuba cũng đạt được những thành tích vô cùng đáng ngưỡng mộ. Dù đất nước Cuba có dân số đứng vào khoảng thứ 80 thế giới, từ năm 1992 đến nay, đoàn thể thao Cuba đã 3 lần nằm trong top 10 quốc gia có thành tích tốt nhất tại Thế vận hội Mùa hè.


Với chính sách "mọi người dân phải có nhà ở", Cuba là đất nước có tỉ lệ người vô gia cư thấp hàng đầu thế giới, thậm chí là thấp hơn cả những quốc gia phát triển Âu - Mỹ. Những khu ổ chuột tệ nạn hầu như không tồn tại ở đất nước này.


Quyền bình đẳng cho người da đen là một trong những thành tựu lớn mà cuộc cách mạng Cuba đã đem lại cho người dân nước mình. Tình trạng phân biệt chủng tộc ở Cuba đã được xóa bỏ hoàn toàn, trong khi đây là vấn nạn nhức nhối ở nước Mỹ láng giềng.


Cuba cũng được công nhận là một trong những quốc gia tiến bộ nhất thế giới trên phương diện bình đẳng giới. Phụ nữ Cuba hiện tham gia lãnh đạo, quản lý trong các lĩnh vực của đời sống xã hội với tỷ lệ rất cao: 42% trong Ban chấp hành Trung ương Đảng, 48,8% trong Quốc hội, 9 Bộ trưởng, 10/15 Chủ tịch tỉnh, 117/168 Viện trưởng Viện kiểm sát, 79% Chánh án Tòa án cấp quận/huyện, 53% các nhà khoa học, 60% bác sỹ…


Văn Hải (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts